Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

"Tây mũ đỏ"

Nói tới Hà Nội 60 ngày đêm 1946 thì có 1 khái niệm thường hay được sách báo, phim ảnh của ta sử dụng cho đến tận bây giờ là “Tây mũ đỏ” hay “Lê dương mũ đỏ”. “Lê dương mũ đỏ” thì ai quan tâm đến lịch sử sẽ đều biết là không có. Lính Lê dương (Légion étrangère) Pháp có đồng phục truyền thống là mũ kepi trắng và từ 1948 có thêm mũ nồi (beret) xanh lá cây chứ không bao giờ chơi mũ đỏ. Và thực chất thì trong Hà Nội 60 ngày đêm cũng không có đơn vị Lê dương nào tham gia.

Mũ đỏ thì có thật. Đó là đơn vị biệt kích dù mang tên Tiểu đoàn 1, Bán lữ đoàn dù SAS – 1 trong 2 tiểu đoàn dù đầu tiên được Pháp đưa tới Đông Dương. Cả 2 được xây dựng theo mô hình tác chiến của SAS Anh. Quân số gồm quân nhân tình nguyện đến từ nhiều đơn vị biệt kích dù từng tham gia chiến đấu trong WW2, trong đó có không ít cựu binh từng được huấn luyện và chiến đấu trong chính biên chế SAS Anh. Chính vì vậy 2 tiểu đoàn SAS Pháp sử dụng luôn chiếc mũ nồi đỏ của lính dù Anh làm đồng phục.

(Nói thêm là thời này mỗi đơn vị dù của Pháp lại đội một kiểu mũ nồi: đỏ, đen, xanh lam, xanh lá cây… chỉ có các tiểu đoàn nhận truyền thống thoát thai SAS là mũ đỏ. Đến năm 1951 tướng Đờ Lát mới học theo Mỹ, cho hết binh chủng dù (trừ Lê dương) dùng chung đỏ). 

Dù vậy biệt kích dù SAS – aka "Tây mũ đỏ" không phải là lực lượng chiến đấu chủ yếu của Pháp ở Liên khu 1 Hà Nội theo kiểu trận nào cũng có mặt như truyền thông của ta vẫn thể hiện. Lực lượng chính của Pháp vẫn là bộ binh thường. Phim Hà Nội mùa đông năm 46 tạo hình lính Pháp tấn công Bắc Bộ phủ đội mũ sắt thay vì mũ nồi đỏ như trong phim Sống mãi với Thủ đô, đây là chi tiết rất chính xác. 

Lúc Toàn quốc kháng chiến, Tiểu đoàn 1 SAS đóng ở Sân bay Gia Lâm (tất nhiên). Họ không sang Hà Nội ngay. Thay vào đó thì một bộ phận tập trung càn quét xung quanh Gia Lâm (lúc này vẫn thuộc Bắc Ninh) để tạo vành đai bảo vệ sân bay và Cầu Đuống. Một bộ phận thì được phối thuộc cho cánh quân từ Gia Lâm lên đánh giải vây và đón quân đồn trú ở Thị xã Bắc Ninh và Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) rút về đầu tháng 1-1947. Một bộ phận nữa từ Sài Gòn ra tăng viện thì được ném ngay xuống Nam Định ngày 6-1-1947. 

Tiểu đoàn 1 SAS bắt đầu tham chiến ở Hà Nội giữa tháng 1-1947, nhưng chủ yếu là trong các cuộc hành quân giải tỏa vành đai ngoại thành : Vĩnh Tuy (15-1), Yên Duyên (18-1), Bưởi (20-1), Nhật Tân (25-1), Mai Dịch (7-2)... Trong các trận này, biệt kích dù thường được sử dụng làm các mũi vu hồi. Họ sẽ xuất phát trong đêm, bí mật thọc sâu áp sát các trận địa VN trước khi mũi tấn công chính bằng thiết giáp bắt đầu. Các vị trí bị "Tây mũ đỏ" tấn công sau này trong sách báo Việt Nam thường mô tả là bị tập kích bằng đổ bộ từ cano hoặc xe lội nước theo Sông Hồng hoặc Hồ Tây, cho thấy là lính dù Pháp đã thành công trong việc giữ được bí mật gần như tuyệt đối quá trình hành quân bộ. 

Kể từ cuối tháng 1-1947, Tiểu đoàn 1 SAS mới bắt đầu tham chiến trong nội thành Liên khu 1. Đa số là tuần tra, đụng độ lẻ tẻ. Chỉ có 2 trận đánh tạm coi là lớn là Khách sạn Hoa Nam Phố Hàng Giấy (23-1-1947) và Chợ Đồng Xuân (14-2-1947). 

Việc truyền thông Việt Nam nhầm lẫn về vai trò của "Tây mũ đỏ" ở Hà Nội có thể từ mấy nguyên nhân.

Lính dù Pháp là đối tượng gây ra nhiều vụ khiêu khích ở Hà Nội, ví dụ như vụ phá nhà thông tin Tràng Tiền (báo Cứu quốc của ta viết về vụ này có tả là lính Pháp phá phách, xé cờ VN xong thì treo cờ tam tài có chữ SAS lên tường để thị uy – xác nhận thủ phạm chính là lính dù Pháp). Trước Toàn quốc kháng chiến 1 hôm, ngày 18-12-1946, biệt kích dù Pháp cũng lùng sục khu vực Đồng Xuân để tìm 1 lính dù mất tích trước đó 2 tuần, gây ra xung đột và thương vong cho nhiều thường dân VN. Đội mũ đỏ nổi bật đi gây chuyện thì đương nhiên là dân ta ghi thù. 

(Truyện và phim Sống mãi với Thủ đô có chi tiết nhân vật Nhật Tân bắn chết 1 thằng Tây mũ đỏ ở Phố Hàng Khoai, tự vệ phải đem giấu xác để tránh phiền hà. Đây rất có thể là sự việc có thật, chính là vụ tay lính dù mất tích kia). 

Thứ hai là trong trận Chợ Đồng Xuân – trận đánh nổi tiếng nhất của Liên khu 1 Hà Nội thì biệt kích dù Pháp là mũi chủ công đánh vào chợ và trực tiếp đánh giáp lá cà với Vệ quốc đoàn. Với thành phần toàn cựu binh dày dạn từ WW2, ắt hẳn là khả năng tác chiến của lính SAS Pháp cũng đã gây ra 1 ấn tượng nhất định trong mắt đối thủ của họ. Cộng thêm trang phục nổi bật (tập 2) nên về sau "Tây mũ đỏ" trở thành hình ảnh đại diện cho quân Pháp ở Hà Nội.

 

SAS Anh trong WW2. SAS Pháp ở Đông Dương thời kỳ đầu có lẽ cũng sẽ ăn mặc và trang bị gần như vậy.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét