Tháng 3-1972, nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn tiếp tế bằng đường biển từ miền Bắc, Hải quân Mỹ quyết định sử dụng tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Sculpin (SSN-590) thuộc lớp Skipjack theo dõi tàu vận tải của Hải quân Nhân dân Việt Nam từ khu vực xuất phát ở gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào đến miền Nam Việt Nam, sau đó tiêu diệt trong hải phận Việt Nam trước khi kịp bốc dỡ hàng.
Theo lời kể của Đô đốc Charles R. Larson (lúc đó là Trung tá,
thuyền phó USS Sculpin), ngày 10-4-1972 USS Sculpin chiếm lĩnh vị trí tuần
tra ngoài khơi đảo Hải Nam. Ngày 12-4, tàu 645 thuộc Đoàn 125 do thuyền trưởng
Lê Hà và chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy xuất phát lần thứ 3, chở theo
70 tấn đạn dược, 1 tấn thuốc nổ và nhiều hàng hóa khác. Sau khi so sánh dữ liệu
ảnh chụp, đồng thời đối chiếu với hướng đi bất thường về phía bờ biển phía tây
Philippines, USS Sculpin xác định 645 là tàu vận chuyển vũ khí và bắt đầu theo
dõi. Điều này được xác nhận thêm sau khi tàu 645 chuyển hướng ngoặt về phía
nam.
USS Sculpin theo dõi 645 qua kính tiềm vọng và sonar thụ động nhờ
vào âm thanh khá đặc trưng từ trục và cánh quạt chân vịt. Để bám đuôi tàu
645 di chuyển với tốc độ khoảng 20km/h, USS Sculpin duy trì tốc độ không quá
37km/h ở độ sâu 60m, cách đáy 9 đến 24m. Ban đầu mọi việc tiến triển thuận lợi,
tuy nhiên sau đó tàu 645 chuyển hướng về phía đông, đi vào một khu vực có nhiều
đá ngầm, rạn san hô và xác tàu đắm (có lẽ để tránh bị theo dõi). Điều này
buộc USS Sculpin quyết định tính toán và chuyển hướng đi vòng để đón đầu 645.
Trong thời gian đó máy bay trinh sát P-3 Orion của Hải quân Mỹ được yêu cầu
bí mật tiếp tục giám sát từ trên cao để thay thế.
USS Sculpin gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình theo dõi khi
phải bám theo 645 qua những khu vực có nhiều dàn khoan dầu hoạt động,
hoặc khu vực tuyến đường thủy nhiều tàu bè qua lại. Sau khi tiến sâu
xuống phía nam, tàu 645 ngoặt sang phía tây rồi chuyển hướng tây bắc. Đối với
phía Mỹ, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tàu 645 chuẩn bị cập bờ tiếp tế vũ
khí. Lúc này MACV ra lệnh cho USS Sculpin tiến hành chụp ảnh làm bằng chứng,
đồng thời sẵn sàng tiêu diệt bằng ngư lôi. Để thực hiện nhiệm vụ này, USS
Sculpin phải lặn sâu xuống 27m, chỉ cách đáy 6m rồi tăng tốc vượt lên trước đón
đầu, kính tiềm vọng chỉ nhô lên khoảng 15cm trong 6s để chụp ảnh để tránh bị
phát hiện.
Cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 hải lý, USS Sculpin mất dấu 645 trong khoảng
2 giờ khi tàu chuyển hướng sang tây bắc, tàu 645 đã tắt máy và đèn khiến cho
sonar và kính tiềm vọng của USS Sculpin mất tác dụng, việc sử dụng radar sục
sạo cũng không mang lại kết quả. Trước tình hình đó, dựa theo hành trình được
tính toán, USS Sculpin quyết định tăng tốc vượt lên trước khoảng 30 hải lý, đón
đầu 645 tại điểm dự đoán, đồng thời yêu cầu máy bay trinh sát P-3 Orion tìm
kiếm quanh khu vực mất dấu. Máy bay trinh sát đã phát hiện được 645 nhờ đặc
điểm sơn màu trắng, sau đó USS Sculpin cũng xác định lại được mục tiêu.
Ban đầu MACV đề nghị cho phép USS Sculpin đánh chìm 645 bằng ngư lôi, tuy
nhiên Đô đốc John Sidney McCain Jr. (bố của phi công John McCain, lúc này
đang bị bắt làm tù binh ở miền Bắc), tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương
không chấp nhận và yêu cầu giao lại cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 22-4 và 23-4-1972, tàu 645 vào đến điểm chuyển hướng, cách Phú Quốc
khoảng 60 hải lý, với ý định chờ đến đêm sẽ cập bờ. 14h chiều 22-4-1972, tàu hộ
tống khu trục (Việt Nam Cộng hòa gọi là khu trục hạm) lớp Edsall số hiệu
HQ-4 Trần Khánh Dư của Hải quân Việt Nam
Cộng hòa được lệnh báo động và rời cảng Sài Gòn.
14h ngày 23 tháng 4,tàu 645 nhận được điện của Sở chỉ huy báo cho biết
trong đêm sẽ có thuyền đón ở mũi Cà Mau, nhưng có điện báo bến động nên quay
ra hải phận quốc tế. Tối 23-4, HQ-4 và 2
tàu chiến khác của Việt Nam Cộng hòa phát hiện 645 trên vùng biển vịnh Thái Lan bằng
radar và tiếp cận khi tàu cách bờ 25-30 hải lý với ý đồ bắt sống. Sáng 24-4, HQ-4 đã kèm chặt 645, xác định được đây là tàu
vận tải của miền Bắc và quan sát được cả các vị trí đặt súng máy 12,7mm trên
tàu. Sau nhiều nỗ lực gọi hàng và bắn uy hiếp không có kết quả, HQ-4 dùng pháo 76,2mm khai hỏa thẳng vào 645
làm tàu bị cháy, một số thủy thủ thương vong. Tàu 645 vừa cố gắng cơ động ra xa
vừa bắn trả bằng 12,7mm, B-40, B-41. Tuy nhiên khoảng 11h, tàu bị trúng đạn vào
lái, mất khả năng điều khiển. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu yêu cầu cho thủy
thủ đoàn rời tàu trong khi mình nán lại để hủy tài liệu và đặt kíp nổ phá tàu.
Theo phía Việt Nam Cộng hòa, tàu 645 đã bị đạn pháo của HQ-4 bắn nổ tung, trong khi theo Hải quân Nhân
dân Việt Nam, chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã chủ động ở lại điểm hỏa khi tàu
ở cách xa thủy thủ đoàn nhất để tránh thương vong cho đồng đội.
Trong số thủy thủ đoàn 645 có 6 người hy sinh bao gồm cả Chính trị viên
Nguyễn Văn Hiệu, 16 người (trong đó 6 bị thương) bị Hải quân Việt Nam Cộng hòa
bắt làm tù binh, bao gồm cả Thuyền trưởng Lê Hà. Năm 1973 thủy thủ đoàn được
trao trả sau Hiệp định Paris. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu được truy tặng
danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978.
Mặc dù có nhiều dấu hiệu, bao gồm cả nội dung liên lạc từ 645 do USS
Sculpin thu được cho thấy dường như thủy thủ đoàn nghi ngờ có tàu ngầm bám theo
mình nhưng các tài liệu của Hải quân Nhân dân Việt Nam xuất bản về sau không
nhắc đến điều này mà cho rằng 645 bị máy bay và tàu mặt nước của Hải quân
Việt Nam Cộng hòa phát hiện gần bờ biển Việt Nam, trong khi trên thực tế tàu
đã bị tàu ngầm USS Sculpin theo dõi gần như liên tục trên hành trình khoảng
2500 hải lý (khoảng 4600km).
Sự kiện tàu 645 kết thúc giai đoạn vận chuyển bí mật bằng tàu không số
kéo dài 10 năm (4-1962 đến 4-1972) của Đoàn 125 với tổng cộng 168 chuyến và
6105 tấn vũ khí cho chiến trường. Cũng bắt đầu từ đây, Đoàn 125 chuyển hoàn
toàn sang phương thức vận chuyển mới: tổ chức các đoàn đánh cá công khai, có
đăng ký hợp pháp ở miền Nam, sử dụng tàu gỗ 2 đáy, vừa đánh cá, chở hàng thuê
vừa chớp thời cơ vận chuyển vũ khí trên những chặng ngắn ở miền Nam hoặc ra
thằng miền Bắc nhận vũ khí. Với phương thức mới này, Hải quân Nhân dân Việt Nam
đã thực hiện thành công 31 chuyến, đưa được 520 tấn vũ khí vào Trà Vinh và Cà
Mau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét